Lượt xem: 316

Sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả trong mùa hạn, mặn

Năm nay, tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất thì nhiều nhà nông, trong đó có xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách đã ứng dụng công nghệ tưới phun để tiết kiệm nước do có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống.

    Hiệu quả từ hệ thống tưới phun tiết kiệm nước

    Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới phun tiết kiệm nước trên các loại cây ăn trái. Phương pháp này hiện đang được nhiều nhà vườn đánh giá cao vì khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa hạn, mặn. Anh Nguyễn Thanh Sang ở ấp Hòa An, xã Xuân Hòa chia sẻ: “Qua hơn 2 tháng áp dụng hệ thống tưới phun cho 6.000m2 trồng cây vú sữa đã giúp tôi tiết kiệm thời gian rất nhiều, nếu trước đây tôi mất 2,5 giờ đồng hồ để tưới cho cả khu vườn thì nay chỉ mất khoảng 10 phút là tưới xong. Trên cùng một diện tích là 1.000m2 đất, nếu sử dụng phương pháp tưới truyền thống thì có thể tốn 1.000 lít nước, còn áp dụng hệ thống này chỉ tốn khoảng 250-300 lít nước”.

Vườn vú sữa của anh Sang sử dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Ảnh Quốc Kha

    Ngoài lợi ích trên, khi vận hành vào buổi sáng để tưới, hệ thống còn giúp anh Sang rửa được sương muối để giúp cây không bị sâu rầy, gây ức chế quá trình sinh trưởng của cây và không gây xói mòn đất do phun nước từ tán lá xuống. Theo chia sẻ của đơn vị lắp đặt, hệ thống tưới phun tiết kiệm trên đang được hơn 10 nhà vườn trên địa bàn huyện áp dụng. Ngoài ra, công nghệ tưới phun còn có thể giúp nhà vườn phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hòa tan, góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhà nông. Ông Nguyễn Văn Đém, đại diện đơn vị lắp đặt hệ thống cho biết: “Hệ thống tưới phun có thể sử dụng trên nhiều vườn cây ăn trái, hoa màu hay trồng hoa kiểng đều thích hợp, nhất là thời điểm hạn, mặn diễn biến gay gắt, hệ thống tưới này giúp cho nông dân tiết kiệm nước nhưng vẫn tưới hiệu quả cho cây trồng. Khi nhà vườn có nhu cầu và liên hệ, chúng tôi sẽ khảo sát vườn, diện tích rồi tính toán chi phí, tùy nhu cầu của mỗi hộ mà có thể mua giá vật tư cao hay thấp. Chi phí công lắp đặt và vật tư tốt dao động ở mức từ 5 triệu - 5,5 triệu đồng/công và sử dụng được nhiều năm”.

    Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

    Với những ưu điểm trên, hệ thống tưới phun đã góp phần giúp các nhà nông đem công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần sử dụng tài nguyên nước hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

    Theo kết quả đánh giá, tổng lượng nước vào các sông kênh rạch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong một năm trung bình đạt khoảng 52,4 tỉ m3, lượng nước ngọt vào ra Sóc Trăng qua hệ thống sông rạch giao động trong khoảng 14,9 - 18,4 tỉ m3/năm.Trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 6.127.095m3/ngày. Trong đó, nước dưới đất nhạt 2.580.104m3/ngày (chiếm 42,1%); trữ lượng nước dưới đất mặn 3.546.991m3/ngày (chiếm 57,9%). Mặc dù lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh  khá lớn nhưng phân bổ không đều giữa mùa nắng và mùa mưa, mặt khác do ở cuối nguồn sông Hậu nên nguồn nước thường có chất lượng kém và tiếp giáp với biển nên bị mặn xâm nhập, làm thiếu hụt nguồn nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong các tháng mùa khô, nhất là các đợt hạn, mặn. Đối với nguồn nước dưới đất là nguồn nước chính phục vụ cho cấp sinh hoạt, sản xuất, dưới áp lực khai thác ngày càng gia tăng như hiện nay, làm cho nguồn nước dưới đất ngày càng sụt giảm gây ra những tác động tiêu cực như: Sụt lún đất, gia tăng xâm nhập mặn làm ô nhiễm nguồn nước.

    Đồng chí Ung Văn Đẳng - Phó phòng phụ trách Phòng Tài nguyên Nước - Khoáng sản và Khí tượng thủy văn cho biết: “Để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm bảo vệ tài nguyên nước; tăng cường công tác quản lý cấp phép tài nguyên nước; thực hiện quan trắc, theo dõi diễn biến nguồn nước, triển khai các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”.

    Về định hướng trong thời gian tới, đồng chí Ung Văn Đẳng cho biết thêm, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, thực hiện cấm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành và địa phương, các tỉnh giáp ranh nhằm quản lý nguồn tài nguyên nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Quốc Kha


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 8106
  • Trong tuần: 78,813
  • Tất cả: 11,802,133